BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG,
PHÒNG TRÁNH CHÁY NỔ, AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI 2019.
- Thực hiện công văn số 906/PGDĐT ngày 28/12/2018 của TP Điện Biên Phủ về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi và lễ Hội Xuân năm 2019
- Thực hiện công văn số 13/PGDĐT ngày 28/12/2018 của TP Điện Biên Phủ về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019
- Thực hiện công văn số 41/PGDĐT ngày 17/01/2018 của TP Điện Biên Phủ về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Nghị định 36/2009/NĐ-CP của chính phủ về quản lý sử dụng pháo
Sáng nay, 28 tháng 01 năm 2019. Liên đội Trường THCS Thanh Bình đã tổ chức buổi tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm với một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Để thực hiện tốt Luật giao thông đường bộ các em cần thực hiện tốt hơn nữa ý thức khi tham gia giao thông, hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông đi bộ , đi xe đạp đúng làn đường qui định, khi đến những nơi công cộng xếp xe thẳng hàng , gọn gàng đúng khu vực qui định.
Thực hiện nghiêm túc quy định về tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng…Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.
Khi di chuyển bằng các phương tiện như xe khách, xe ô tô các em cần thận trọng khi bước bậc lên xuống xe; chỉ xuống xe khi xe đã dừng hẳn, không đu bám, đứng, ngồi hai bên thành xe ; mở cửa lên, xuống chú ý đảm bảo an toàn cho người khác.
Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, cài quai mũ bảo hiểm chặt chẽ, sát dưới cằm, đúng quy cách.
Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật, hơn nữa, hành động này đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điện khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm tại Việt Nam hơn 33.000 người bị tử vong và thương tật do tai nạn giao thông. Trong đó, phần lớn số người tử vong là do chấn thương sọ não. Vì vậy, khi đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ hạn chế tối đa những chấn thương trên đầu, nhất là chấn thương sọ não khi tai nạn xảy ra.
Theo quy định tại Điều 31, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, để điều khiển xe đạp tham gia giao thông an toàn thì:
1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.
- Người điều khiển xe đạp không được thực hiện các hành vi sau:
+ Đi xe dàn hàng ngang;
+ Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
+ Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
+ Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;
+ Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
- Người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau:
+ Mang, vác vật cồng kềnh;
+ Sử dụng ô;
+ Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
+ Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe. Người điều khiển xe súc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường.
4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
* Văn hóa giao thông ?
Văn hóa giao thông là khái niệm được nhiều người nhắc đến nhưng để hiểu và tham gia giao thông một cách văn hóa thì không phải ai cũng biết.Chung tay xây dựng văn hóa giao thông là điều nhiều người mong muốn để hạn chế sự hỗn loạn, vốn đã thành đặc điểm cố hữu của giao thông Việt Nam. Vậy, văn hóa giao thông là gì và phải làm gì để xây dựng văn hóa giao thông?
Nói một cách tổng thể, văn hóa khi tham gia giao thông, một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.
Điều 6. (Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ) Quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường
b) Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt;
c) Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”;
d) Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;
đ) Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ;
e) Chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù);
2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
b) Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 (ba) xe trở lên;
3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật;
b) Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
c) Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
d) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
đ) Chở theo 02 (hai) người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
e) Người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước;
g) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở theo từ 03 (ba) người trở lên trên xe;
b) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
c) Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
d) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;
h) Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;
đ) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
e) Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;
b) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn giao thông;
8. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
b) Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
c) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
d) Điều khiển xe thành nhóm từ 02 (hai) xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.
10. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 9 Điều này mà gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ.
Trong những ngày nghỉ tết theo qui định các em luôn luôn có ý thức bảo vệ mình và người xung quanh để đón tết an toàn vui tươi .
2. An toàn phòng chống cháy nổ
Ngày tết, có nhiều trò chơi lí thú hấp dẫn các em, tuy nhiên trong số đó lại có một số trò nghịch rất nguy hiểm, đó là tình trạng nghịch pháo và các chất nổ. Thực tế, đã có nhiều trẻ em thiệt mạng, hay mang theo mình dị tật suốt đời vì nghịch pháo. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của vấn đề này, nhà nước ta đã có quy định về phòng chống cháy nổ, kí cam kết không tàng trữ, sử dụng các loại chất cháy nổ trong dịp Tết Nguyên đán, đề nghị tất cả các em học sinh nghiêm túc thực hiện, nếu vi phạm, các em sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các em là tương lai của đất nước, sức khỏe, thành công của các em là vinh quang của tổ quốc, vì thế, ngay hôm nay, chúng ta hãy cùng chung tay hành động vì tương lai, và gần đây nhất là hành dộng vì một mùa tết an toàn, vui vẻ, vì một xã hội an toàn, không tai nạn giao thông, không tai nạn do thuốc súng, pháo nổ…
Về xử phạt hành chính, căn cứ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy;
- Phạt tiền từ 1.000.000 VNĐ đến 2.000.000 VNĐ đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép quy định tại điểm b khoản 2 điều 10 Nghị định này.
Khoản 2 - Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.
3. An toàn vệ sinh thực phẩm
Đón chào năm mới 2019, mọi nhà thường sử dụng một lượng lớn gồm nhiều loại thực phẩm: từ thịt, cá, rau, quả đến các loại thực phẩm chế biến sẵn... phục vụ Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, nhiều loại quà vặt cho trẻ em không rõ nguồn gốc cũng được bày bán tràn lan. Khi có tiền mừng tuổi, một số em thường mua những loại quà này mà không có sự kiểm soát của người lớn nên việc ngộ độc là rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm
. Để hạn chế ngộ độc thực phẩm chúng ta cần:
Ăn những thực phẩm rõ nguồn gốc. Chỉ ăn thức ăn chín và nên ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm khuẩn có hại cho sức khỏe.
Không mua quà bánh không rõ nguồn gốc, không nên ăn nhiều bánh kẹo…và cần nạp đủ năng lượng để đảm bảo sức khỏe trong những ngày tết.
Mọi người, mọi nhà cần tích cực, chủ động giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Buổi tuyên truyền đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh và các thầy cô giáo. Đại diện cho các lớp, lớp trưởng đã ký cam kết với giáo viên chủ nhiệm, với nhà trường về việc chấp hành tốt nội dung tuyên truyền trên.